Đức cha Donald Sproxton nhấn mạnh rằng vấn đề người khuyết tật không chỉ là khuyết tật, nhưng là sự thiếu hiểu biết, bất khoan dung, bất công và loại trừ, tước đi phẩm giá và phẩm tính của con người. Người khuyết tật không chỉ là đối tượng cần được chăm sóc, nhưng còn là tác nhân cho chính cuộc sống của họ, là những người có quyền được lắng nghe. Thực tế, tính đa dạng lớn trong kinh nghiệm của những người khuyết tật phải được công nhận và họ phải được đồng hành với sự công bằng và hòa nhập. Nhờ đó, họ cũng có cơ hội bình đẳng và được nhìn nhận và cho phép họ đóng góp vào công ích.
Từ điểm này, Giáo hội Úc mời gọi tất cả các giáo xứ thúc đẩy một thái độ chào đón giữa các tín hữu đối với những người gặp nhiều khó khăn hơn. Các Giám mục lưu ý thêm, điều này không có nghĩa đơn giản chỉ là những thái độ trong việc giải quyết các vấn đề về khả năng tiếp cận thể lý dành cho người khuyết tật. Cần phải vượt lên trên suy nghĩ này, nghĩa là mỗi người phải được chấp nhận như những anh chị em trong cộng đoàn.
Được công bố vào năm 1992 theo nghị quyết 47/3 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Ngày Quốc tế Người khuyết tật nhằm mục đích cổ võ việc bảo vệ nhân phẩm, quyền và hạnh phúc của những người khuyết tật. Cho năm 2021, chủ đề được chọn cho Ngày này là “Sự lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới bao gồm, dễ tiếp cận và bền vững trong một thế giới hậu Covid-19”. Trong dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp có tựa đề “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,14), trong đó ngài bày tỏ sự phân biệt đối xử hiện hữu trong xã hội và nhắc lại rằng tình bạn với Chúa Giêsu có thể là chìa khóa tinh thần để chấp nhận giới hạn tình trạng mỗi người. (CSR_7674_2021)
Ngọc Yến -
Nguồn: Vatican News