CARITAS VIỆT NAM: KÝ SỰ TÌNH NGƯỜI GIỮA GIÔNG TỐ
CARITAS VIỆT NAM: KÝ SỰ TÌNH NGƯỜI GIỮA GIÔNG TỐ
Hậu quả của đại dịch Covid 19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới nói chung. Cách riêng, người dân Miền Trung Việt Nam phải hứng chịu thêm những trận mưa bão cuồng phong liên tiếp gây lụt lội và sạt lở khủng khiếp. Chỉ trong vòng hai tuần, các tỉnh Miền Trung phải hứng chịu đến 9 cơn bão. Chưa bao giờ người dân đặc biệt người nghèo ở Miền Trung phải rơi vào tình trạng khó khăn như thế.
Rất nhiều hoàn cảnh tang thương đã xảy ra trong tháng 10 vừa qua. Hình ảnh người mẹ che chắn cho đứa con thơ khi biết mình đang bị đất đá vùi lấp đã làm rơi những giọt nước mắt của người xem. Hay tình cảnh hai anh em chết do bị lật thuyền trong lúc lũ dâng cao đã để lại nỗi mất mát vô cùng cho bậc làm cha làm mẹ khi mất đi một lúc hai đứa con bé bỏng của mình. Cảnh cha mất con, chồng mất vợ để lại những đứa con thơ, hay cảnh con mất cha mẹ, hoặc người thân trong gia đình bị chôn vùi dưới lớp đất là một nỗi đau tận cùng cần có rất nhiều thời gian mới có thể chữa lành được. Chưa kể khi họ mất đi người trụ cột trong gia đình, thì nỗi đau ấy có khi phải kéo dài đến hết cuộc đời. Bởi khi nỗi đau tinh thần chưa vơi, thì họ phải gồng gánh để kiếm sống, lo cho gia đình của mình. Chỉ đợt mưa lũ này đã cướp đi hơn 200 sinh mạng, còn tài sản thì không thể kể xiết. Còn rất nhiều câu chuyện thương tâm trong trận lụt lịch sử vừa qua. Thật không có từ nào có thể diễn tả hết khi chứng kiến những cảnh đau thương đó. Người nghèo đã nghèo nay lại nghèo hơn.
Trước những nỗi đau cùng cực đó, tưởng chừng họ đi vào ngõ cụt, chúng ta lại chứng kiến tình người như biển trời, khi khắp nơi trên thế giới, trong nước cũng như quốc tế, mọi thành phần từ cá nhân đến các tổ chức đau đáu hướng về Miền Trung thân yêu. Từ anh phu hồ, chị quét rác với đồng lương ít ỏi, cũng gắng gượng dành ra chút ít để gởi về cho các nạn nhân bị lũ lụt. Từ bà bán rau đến các anh chị em công nhân, học sinh sinh viên cũng sẵn sàng bớt phần ăn của mình để quyên góp cho những người dân Miền Trung. Rất nhiều anh tài xế vượt chặng đường dài và khó khăn để mang hàng cứu trợ đến Miền Trung mà không lấy một đồng tiền công nào. Rất nhiều giáo xứ, các đoàn thể, các tổ chức, các nhóm và các gia đình nhiệt tình quyên góp từ cuốn vở cặp sách cho các em học sinh, những bộ quần áo được giặt sạch sẽ và đóng gói, tất cả mọi tặng phẩm có thể dùng được cũng như hiện kim với mong ước người dân Miền Trung có thể vơi đi phần nào nỗi khổ đau, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Lời của Đức thánh cha Phanxicô, “trên thế giới chúng ta nhìn thấy bao nhiêu bàn tay đưa ra mỗi ngày”, lại càng đúng trong tình hình lũ lụt Miền Trung Việt Nam của chúng ta. Thật không thể kể xiết lòng quảng đại, sự sẻ chia, lời cầu nguyện của biết bao nhiều người, từ người giàu đến người nghèo, từ tổ chức lớn đến tổ chức nhỏ dành cho đồng bào Miền Trung vừa qua. Rất nhiều đoàn thể đã đến trực tiếp hiện trường để cứu trợ và nâng đỡ tinh thần với người dân.
Riêng Caritas Việt Nam cũng đã nhận được rất nhiều đóng góp từ mọi thành phần trong và ngoài nước, các tổ chức, các cá nhân gởi về để giúp cho đồng bào Miền Trung Thân yêu. Thật cảm động biết bao khi tinh thần bác ái Kitô giáo được diễn tả bằng hành động, tình người vẫn đong đầy trong lúc anh chị em đang lâm cảnh hoạn nạn. Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách được diễn tả cách thiết thực và đầy yêu thương. Trong những ngày tiếp nhận cứu trợ chúng tôi nhận được cuộc gọi điện thoại của một chị lao công. Em có chút tiền nhỏ 200 ngàn đồng giúp các nạn nhân Miền Trung - chị gởi gắm. Số tiền đó tuy không phải là nhiều, nhưng đối với một người lao công thì đã là rất nhiều bởi nó chiếm một phần tiền lương hàng tháng. Chị công nhân đó làm chỉ đủ ăn, chưa bao giờ nghĩ tới dư giả hoặc để dành cho tương lai khi về già yếu, nhưng khi thấy cảnh đau thương nơi Miền Trung, chị chỉ biết giơ tay ra với họ. Và đã có rất nhiều câu chuyện tương tự như thế.
ĐTC Phanxicô nói: “Sự quảng đại trong việc giúp đỡ những người yếu đuối, an ủi những người đau khổ, xoa dịu đau khổ và phục hồi phẩm giá cho những người bị tước mất phẩm giá, là điều kiện cho một cuộc sống tràn đầy của con người.” Câu nói này không chỉ khẳng định cho sự hạnh phúc của một con người mà nó còn đang lan toả tình người giữa những tai ương của cuộc sống. “Khả năng đưa tay cứu giúp của chúng ta cho thấy chúng ta có một khả năng bẩm sinh để hành động theo những cách mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.”
PTT - Caritas Việt Nam