Biến Đổi Khí Hậu Tác Động Đến Những Người Nghèo Nhất Và Cần Sự Hợp Tác Toàn Cầu
Hội thảo tại Rome với chủ đề “Giải quyết các thách đố Khủng hoảng Môi trường theo Tinh thần Laudato si' và Laudate Deum, theo Kinh nghiệm tại Mỹ Latinh.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi thông điệp tới hội nghị ở Rome, nơi quy tụ các Hồng y và chuyên gia nhằm thảo luận về biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực của nó đến những người dễ bị tổn thương nhất.
Tác giả: Kielce Gussie
Theo Chương trình về Môi trường của Liên hợp quốc, có khoảng 30% dân số thế giới phải hứng chịu các đợt nắng nóng nguy hiểm trong hơn 20 ngày mỗi năm.
Tại hội thảo do đại sứ quán Cuba, Bolivia và Venezuela tại Tòa thánh tổ chức vào ngày 28 tháng 11 tại Rome, các Hồng y và đại diện các quốc gia này đã cùng nhau thảo luận về tác động toàn cầu của cuộc khủng hoảng môi trường đang diễn ra.
Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi thư đến các tham dự viên, đưa ra lời cảnh báo: biến đổi khí hậu tác động đến “các quốc gia nghèo nhất” và những dấu chỉ của nó “không thể che giấu hoặc ngụy trang”.
Con người không thể là bạo chúa
Phát biểu về vấn đề khủng hoảng môi trường nghiêm trọng mà thế giới đang phải đối mặt, Đức Hồng y Robert Francis Prevost, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh và Tổng trưởng Bộ Giám mục, nhấn mạnh rằng đã đến lúc phải chuyển đổi “từ lời nói sang hành động”. Câu trả lời cho thách thức này cần phải dựa trên Học thuyết Xã hội của Hội thánh, Ngài cho biết.
“Quyền cai quản thiên nhiên”—mệnh lệnh Chúa thông ban cho nhân loại—không nên trở thành “bạo ngược”. Ngài cho biết, đó phải là “mối quan hệ có đi có lại” với môi trường.
Đức Hồng y cảnh báo về những hậu quả “bi thảm” của sự phát triển công nghệ và nhắc lại cam kết của Tòa thánh trong việc bảo vệ môi trường, qua các hành động cụ thể như Vatican lắp đặt các tấm pin mặt trời và chuyển sang việc sử dụng xe điện.
'Không thể phủ nhận' vấn đề biến đổi khí hậu
Đức Hồng y Peter Appiah Turkson, hiệu trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng, nhấn mạnh ơn gọi của nhân loại là chăm sóc môi trường. “Thế giới không phải là ngẫu nhiên mà được tạo dựng theo ý định của Thiên Chúa” và mọi người được mời gọi trở thành “người đồng sáng tạo”.
Đức Hồng Y nhấn mạnh những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu là những người dễ bị tổn thương nhất. Đức Hồng Y Turkson cho biết cách thức môi trường được đối xử là "minh hoạ đáng buồn và hiển nhiên cho tội ác có chủ đích ".
Tại Đại sứ quán Bolivia, Cuba và Venezuela tại Tòa thánh, chủ đề “Giải quyết các thách đố Khủng hoảng Môi trường theo Tinh thần Laudato si' và Laudate Deum, theo Kinh nghiệm tại Mỹ Latinh”.
Đề cập đến các phong trào phủ nhận biến đổi khí hậu, Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động ngay bây giờ, vì tình trạng khẩn cấp về khí hậu không phải là "tương lai giả định" mà là điều mà nhân loại đang "trải nghiệm trực tiếp".
Cùng quan điểm với Đức Hồng y Turkson, Tiến sĩ Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông (tổ chức chủ quản), cũng đã nhắc lại lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô, nêu rõ cần phải gọi cuộc khủng hoảng khí hậu theo đúng bản chất của nó là “không thể phủ nhận”.
Bị làm cho nghèo đói nhưng 'tất cả chúng ta đều có quyền'
Emilce Cuda, Thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, chỉ ra rằng lũ lụt ở Brazil, đã "cuốn trôi toàn bộ các cộng đồng", nhưng không được đưa tin như ở Tây Ban Nha. Bà kêu gọi toàn bộ Châu Mỹ Latinh tập trung vào các chương trình nghị sự tương tự như Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Những chiếc ủng cao su bên ngoài một ngôi nhà bị phá hủy bởi trận lũ lụt chết người tại Paiporta, gần Valencia, Tây Ban Nha.
“Chúng ta là một châu lục nghèo,” Bộ trưởng tuyên bố, “nhưng khi chúng ta ngồi vào cùng một bàn, tất cả chúng ta đều có quyền được hưởng cùng không gian và tự do như nhau.”
Bà nhấn mạnh rằng “nghèo hơn nhưng không có nghĩa là chúng ta kém chuyên nghiệp hoặc kém kiến thức hơn”.
Cách đối diện với tương lai
Nhiều tổ chức đang nỗ lực thực hiện các nguyên tắc của Laudato si' nhằm hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất bởi khủng hoảng khí hậu.
Tại Venezuela, Josué Alejandro Lorca Vega, Bộ trưởng Bộ Quyền Nhân dân về Chủ nghĩa xã hội sinh thái, đã mô tả cách những người trẻ được giáo dục về tính bền vững của môi trường để cung cấp những công cụ cần thiết giúp họ thực hiện vai trò của mình.
Sau khi hội nghị COP29 kết thúc, Pedro Luis Pedroso Cuesta, Phó Tổng giám đốc phụ trách các Vấn đề Đa phương và Luật Quốc tế tại Bộ Ngoại giao Cuba, đã gọi ứng phó của hội nghị đối với cuộc khủng hoảng khí hậu là "phân mảnh" và không đầy đủ vì không có "cột mốc tài chính" nào được nêu cụ thể nhằm cung cấp viện trợ cho các nước đang phát triển.
Phó Giám đốc đã dùng câu nói của các nhà cách mạng Cuba vào vấn đề biến đổi khí hậu, nhấn mạnh đến nhu cầu cần hành động ngay lập tức: “Ngày mai sẽ là quá muộn để giải quyết những điều chúng ta đáng lẽ đã phải làm từ lâu rồi”.
Nguồn:https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2024-11/climate-change-conference-latin-america-cardinals-rome.html
Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam
Nguồn:caritasvietnam