Thứ tư, Ngày 1 tháng 5 năm 2024
Bài viết

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ LÊN ÁN VIỆC “NHỮNG THAI NHI KHUYẾT TẬT BỊ PHÁ BỎ” TRONG NỀN VĂN HÓA THẢI LOẠI

Ngày đăng : 2013-04-24 06:44:33 Lượt xem: 171 người


Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu với các thành viên của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội vào ngày 11 tháng 4 năm 2024 tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu với các thành viên của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội vào ngày 11 tháng 4 năm 2024 tại Vatican (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ trích việc “những thai nhi khuyết tật bị phá bỏ” trong bài phát biểu hôm thứ Năm tại một hội nghị ở Vatican về sự hòa nhập của người khuyết tật.

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng “nền văn hóa thải loại” sẽ biến thành “nền văn hóa của sự chết chóc” khi người ta “cho rằng có thể thiết lập, trên cơ sở các tiêu chí thực dụng và chức năng, khi một sự sống có giá trị và đáng sống”.

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng ngày nay chúng ta thấy điều này, đặc biệt là ở hai thái cực của toàn bộ phạm vi cuộc sống – “những thai nhi khuyết tật bị phá bỏ và những người già gần cuối đời được thực hiện một ‘cái chết dễ dàng’ bằng phương pháp an tử”.

Theo Viện Đời sống Giáo hội McGrath của Đại học Notre Dame, ước tính có tới 27.000 ca phá thai hàng năm do chẩn đoán trước sinh kém ở Hoa Kỳ.

“Tất cả mọi người đều có quyền sống với phẩm giá và được phát triển toàn diện. Ngay cả khi họ không sinh sản, hoặc sinh ra với hoặc lớn lên với những hạn chế, điều này không làm giảm đi phẩm giá cao cả của họ với tư cách là con người, một phẩm giá không dựa trên hoàn cảnh mà dựa trên giá trị nội tại của con người họ”, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại Hội trường Clementine của Điện Tông Tòa vào ngày 11 tháng Tư.

Đức Thánh Cha đã gửi thông điệp này tới Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học, nơi bao gồm các học giả và chuyên gia trong các lĩnh vực luật, khoa học chính trị, kinh tế và xã hội học.

Học viện sẽ nhóm họp tại Vatican trong tuần này để dự phiên họp toàn thể về việc hòa nhập những người khuyết tật.

“Phiên họp toàn thể có ý định đương đầu với thử thách và tạo ra đóng góp của riêng mình bằng cách xác định những gì… đại diện cho những rào cản làm gia tăng sự bất lực của xã hội và ngăn cản những người khuyết tật tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội”, chương trình phiên họp toàn thể cho biết.

Hội nghị kéo dài ba ngày bao gồm các cuộc thảo luận về quyền của những người khuyết tật, các chính sách để hòa nhập kinh tế tốt hơn và các quan điểm triết học về sự khuyết tật và thân phận con người.

Trong bài phát biểu trước Viện Hàn lâm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng “sự dễ bị tổn thương và sự yếu đuối là một phần của thân phận con người chứ không phải là điều gì đó chỉ chỉ phù hợp với người khuyết tật”.

Đức Thánh Cha nói rằng “việc chống lại nền văn hóa thải loại đòi hỏi phải thúc đẩy nền văn hóa hòa nhập” bằng cách “xây dựng và củng cố các mối liên kết thuộc về trong xã hội”.

Đức Thánh Cha cũng cho biết thêm rằng “mối liên kết thuộc về thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn khi người khuyết tật không chỉ đơn thuần là những người tiếp nhận thụ động mà còn tham gia tích cực vào đời sống xã hội như những tác nhân của sự thay đổi”.

Theo Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, không có con số chính xác về số lượng người khuyết tật trên toàn thế giới, nhưng các tổ chức quốc tế ước tính rằng 16% dân số thế giới gặp phải tình trạng khuyết tật nghiêm trọng.

“Báo cáo Thế giới về Người khuyết tật Thứ nhất” cho thấy những người bị suy giảm thể chất, giác quan hoặc trí tuệ gặp nhiều bất lợi so với phần còn lại của dân số, bao gồm các rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ, trình độ học vấn thấp hơn, nghèo đói và ít được tham gia vào đời sống chính trị và văn hóa.

“Đáng buồn thay, ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều người và gia đình tiếp tục bị cô lập và bị buộc phải sống bên lề đời sống xã hội vì bị khuyết tật”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

“Và điều này không chỉ ở các quốc gia nghèo hơn, nơi phần lớn người khuyết tật sinh sống và nơi mà tình trạng của họ thường khiến họ rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực, mà còn trong những hoàn cảnh thịnh vượng hơn, nơi mà đôi khi khuyết tật bị coi là một ‘thảm kịch cá nhân’ và những người khuyết tật là ‘những kẻ lưu đày ẩn náu’, bị đối xử như những người ngoại kiều trong xã hội”.

Trong ghi chú khái niệm của Viện Hàn lâm Giáo hoàng cho phiên họp toàn thể, Viện Hàn lâm đã công nhận sự liên đới mạnh mẽ được tìm thấy trong các hiệp hội gia đình vốn hỗ trợ và đồng hành cùng các gia đình chăm sóc người khuyết tật, đồng thời lưu ý rằng sự liên đới này mang một ý nghĩa xã hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “sự quan tâm và chăm sóc của Giáo hội đối với những người mắc một hoặc nhiều khuyết tật phản ánh cụ thể nhiều cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người như vậy, như được mô tả trong các sách Tin Mừng”.

 “Chúa Giêsu không chỉ gắn liền với những người khuyết tật; Ngài cũng thay đổi ý nghĩa trải nghiệm của họ”, Đức Thánh Cha nói. “Trên thực tế, Chúa Giêsu đã cho thấy một cách tiếp cận mới đối với tình trạng của người khuyết tật, cả trong xã hội lẫn trước mặt Chúa”.

“Trong con mắt của Chúa Giêsu, mọi thân phận con người, kể cả những thân phận bị đánh dấu bởi những giới hạn nghiêm trọng, đều là một lời mời gọi hướng đến một mối quan hệ độc nhất với Thiên Chúa để giúp con người phát triển”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Nguồn:https://dcctvn.org/


BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TRƯỜNG CÔNG GIÁO Ở CAMERUN THỰC HÀNH THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI'

Ngày đăng : 2023-08-24 08:15:38
171 lượt xem

ĐỨC THÁNH CHA ĐANG VIẾT PHẦN HAI CỦA THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI'

Ngày đăng : 2023-09-09 05:43:40
171 lượt xem

VATICAN CHĂM SÓC NHA KHOA MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI NGHÈO Ở ROMA

Ngày đăng : 2023-09-21 05:44:08
171 lượt xem

TRUNG TÂM “THÁNH Ý CHÚA” PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO Ở FUKINA FASO

Ngày đăng : 2023-11-07 15:19:41
171 lượt xem

SUY TƯ VỀ NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO NĂM 2023

Ngày đăng : 2023-11-28 03:28:27
171 lượt xem
Tin mới
Hình ảnh
Cầu nguyện